Cứ dăm ba người hợp cạ lập thành một nhóm, cùng đi ăn, cùng chuyện trò và cùng… soi mói, bàn tán về nhóm khác. Nhất là khi gặp những nhóm không hợp cạ hoặc có những bất đồng, thì sự bàn tán này lại trở nên… vô đối.
Công ty Nga gần 30 người nhưng cũng có đến 3, 4 nhóm, tất nhiên, có những người chẳng vào nhóm nào, người ta đứng ở giữa, trung lập và chẳng muốn mất lòng bên nào. Còn lại đa phần là có nhóm, có bè riêng. Phòng kinh doanh thành một nhóm, 4 người cùng cạ, làm việc tâm đầu ý hợp. Phòng PR và marketing phối hợp với nhau cũng thành một bộ tứ thân nhau… Công việc làm ăn trôi chảy thì chả sao nhưng đến khi gặp trục trặc, phòng nọ đổ lỗi cho phòng kia thì khỏi phải nói.
Một lần đội PR và kinh doanh mâu thuẫn chỉ vì chậm deadline của khách hàng, bị sếp phê bình, kiểm điểm trong cuộc họp, hai nhóm đổ tội cho nhau. Việc xong xuôi từ đời nào nhưng không ngờ, từ đó, hai nhóm cứ hằm hè, không thể bình thường với nhau như trước. Nga là lễ tân hay đi ăn uống cùng các nhóm nên biết khá rõ. Lúc đi với nhóm PR, Nga mới biết nhóm này ghét đội kinh doanh đến cỡ nào và nhất cử nhất động của team kinh doanh đều được họ đưa ra bàn tán, bình “loạn”. Nào là “thằng Kim trưởng phòng kinh doanh lúc nào cũng lên mặt, thấy được sếp quý rồi tinh vi con gà ri, sang phòng mình mà cứ giở giọng sai như bố sai con vậy”. Người này chưa xong, người kia đã tiếp “Không phải có mỗi lão Kim đâu, mấy đứa phòng đó đứa nào cũng hãm. Cậy đem được tý tiền về cho công ty nên hoạnh họe đủ kiểu, lần sau cứ kéo dài thời gian giao hàng, xem chúng nó làm gì được”…
Thế nhưng, ngồi với phòng kinh doanh, Nga lại được nghe tha hồ những lời dèm pha, xỉa xói “ném” cho đội PR. “Cái Thanh điệu rớt, chỉ được cái làm dáng là tài, làm thì chẳng được việc gì, bài viết chán ơi là chán, khách hàng kêu ầm lên, thế mà cứ nhơn nhơn, góp ý bao lần còn cãi ngoen ngoẻn”. “Phòng đó đứa nào chả thế, làm việc thì ngu, suốt ngày tưởng mình cao siêu lắm”…. Cứ thế, mọi chuyện xảy ra ở phòng này là đề tài bàn tán của nhóm kia mà nội dung để tán chuyện ấy chẳng bao giờ là tốt đẹp.
Chuyện bè phái ở công ty Hoàng khác phổ biến nhưng nổi bật nhất là nhóm khách hàng và kế toán. Chẳng biết hai đội có “thâm thù” gì từ trước không nhưng đã hơn 1 năm, từ khi Hoàng vào công ty, cái sự đối địch giữa hai nhóm này dường như ngày càng gia tăng chứ không có dấu hiệu gì gọi là giảm sút.
Cậy có trưởng phòng là chỗ bà con với sếp nên team kế toán thường hoạnh họe phòng khách hàng đủ điểu, từ giấy tờ thủ tục, hóa đơn thanh toán… Chỉ cần chậm một chút là kế toán có quyền rầy la hoặc trực tiếp báo để sếp còn ra quyết định phạt và cuối tháng trừ vào lương. Có hôm mới đầu giờ sáng, Hùng – nhân viên phòng khách hàng vừa bước vào cửa công ty đã bị kế toán trưởng mắng té tát: “Cậu làm ăn kiểu gì thế, hợp đồng thanh toán đã chốt với khách hàng từ tuần trước, sao giờ vẫn chưa chuyển tiền về. Tôi nói cho cậu biết, đừng có tưởng kiếm được vài cái hợp đồng về mà to, trong hôm nay cậu không lo xong việc này thì cuối tháng khỏi nhận lương. Mà cả cái phòng của cậu, gần trưa rồi mà chưa có ai đến làm việc là sao, công ty chứ có phải cái chợ đâu mà muốn đến thì đến, muốn nghỉ thì nghỉ”.
Biết bà chị này là người thân của sếp, Hùng không cãi nhưng ấm ức vẫn mang về phòng. Thế là suốt cả ngày hôm đó, cả phòng khách hàng hầu như không làm gì ngoài việc nghĩ cách “chơi” lại phòng kế toán, mà trước hết cứ nói cho sướng mồm trước đã. “Bà ấy có quyền gì mà quản lý thời gian của bọn mình, tưởng thân với sếp tý mà lên mặt chắc, hay là định chuyển sang làm nhân sự luôn”. “Cứ nhìn dáng dấp là biết ngay cái thói muốn thể hiện quyền lực, thích lộng quyền đây mà. Gớm, không nể tình là an hem thì chắc giám đốc nhà mình cũng đã khêu ra đường từ lâu rồi”… Cứ thế, mỗi người một câu, phòng kế toán trở thành đề tài đàm tiếu của nhóm khách hàng suốt ngày hôm đó.
Chưa dừng lại ở đó, ngay tuần sau, trong buổi họp giao ban đầu tuần, kinh doanh “phản đòn” bằng cách đưa ra bao nhiêu giấy tờ, thủ tục của các hợp đồng cũ mà kế toán còn bỏ dở, chưa hoàn thiện, nhằm “vạch mặt” sự tắc trách của phòng kế toán trước mặt giám đốc. Cuộc họp giao ban trở thành buổi để hai đội “kể tội” nhau, nếu không có sếp đứng ra can thiệp, chẳng biết bao giờ mới chấm dứt.
Từ chuyện công việc, hai bên quay ra soi cả đời tư của nhau. Thế là cả chuyện hậu trường, chuyện thâm cung bí sử của hai phòng lan nhanh khắp công ty, nhất là “ bí mật” của những nhân vật cốt cán. Và cứ có dịp ngồi lại với nhau thì khỏi phải nói, Người này một câu, người kia một ý rồi cứ “mô-đi-phê” đủ mắm muối. Từ việc ông Hòa phòng kế toán phim bị vợ bỏ vì thói lăng nhăng, ăn bao nhiêu tiền của công ty mà toàn ném hết vào gái gú, chẳng đưa về nhà được đồng nào, đến bà chị trưởng phòng, gần 40 cái xuân xanh mà chưa ông nào thèm rước. Nhóm kế toán cũng chẳng phải vừa, một mặt, tận dụng mối thân tình với sếp, trưởng nhóm kế toán luôn tìm cách hạ điểm “đối phương” trước mặt giám đốc, báo cáo mọi việc của nhóm khách hàng lên sếp, coi như đó là một cách lập công cho đội mình. Còn khi cả nhóm có dịp ngồi lại với nhau thì sự khó chịu của họ đối với nhóm khách hàng cũng chẳng kém gì của team này dành cho họ.
Dù làm việc ở công sở hay ở đâu, việc có nhóm này nhóm kia sẽ là điều không tránh khỏi. Nhưng đừng để việc hình thành các nhóm trở thành chia bè kết phái, gây ra những mâu thuẫn không đáng có giữa các đồng nghiệp, vừa ảnh hưởng tới công việc vừa tạo nên không khí làm việc căng thẳng.
Theo Hải Như (Zing)
Nguồn: dantri.com.vn
NgocThuyGroup.com – Việc làm thêm, Việc làm ngoài giờ, Cơ hội thay đổi cuộc sống hiện tại, Cơ hội làm giàu, Cơ hội kinh doanh